Trang chủ

CPTPP - cơ hội & thách thức


Được đánh giá là quốc gia có lợi thế nhiều nhất khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), song điều đó không có nghĩa Việt Nam không gặp bất lợi gì. Có thể kể tới như một số ngành hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua trên “sân nhà”, khi môi trường kinh doanh (MTKD) tuy đã có cải thiện nhưng chưa như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Không để cơ hội “tuột khỏi tay”

Việc tham gia CPTPP sẽ giúp hàng hóa Việt Nam xuất khẩu (XK) sang nhiều thị trường lớn như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico… cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Hiệp định này sẽ mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.

Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu (NK) theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. Hơn nữa, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế (CCTC) trong nước, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, việc CPTPP được thông qua là kết quả đáng mừng, đáng kỳ vọng trước xu hướng chủ nghĩa bảo hộ đang quay lại, đồng thời có tác động rất tích cực đến quá trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư.

Khác với TPP, trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước sẽ đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông. Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh lưu ý: “Khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và điều ngược lại. Sự chủ động trong tiếp cận thị trường bằng chính nhãn quan của DN mới là điểm mấu chốt, bảo đảm hội nhập thành công…”. Theo các chuyên gia, CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Lo ngại nhất là Việt Nam vẫn chủ yếu NK nguyên phụ liệu và công nghệ cũ về để sản xuất, rồi sau đó mới XK. Các thị trường NK chính là Trung Quốc, Hàn Quốc. Điều này khiến Việt Nam khó hưởng lợi về mặt thuế suất do các nội dung trong CPTPP quy định khá rõ ràng về quy tắc xuất xứ của sản phẩm.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP Hồ Chí Minh (AGTEK), ngành dệt - may hiện mới chủ động đáp ứng được khoảng 30% nguyên phụ liệu. Thời gian qua, nhiều DN nước ngoài đã đầu tư phát triển vùng nguyên phụ liệu cho ngành dệt - may Việt Nam, DN trong nước cũng cố gắng liên kết xây dựng vùng nguyên phụ liệu. Khi biết tin Mỹ rút khỏi TPP, xu hướng đầu tư này bị chậm lại. Chưa kể hiện nay, hầu hết DN Việt vẫn có thói quen “nước đến chân mới nhảy”.

Cơ hội gỡ rào cản kinh doanh

Ngoài các lợi ích về thương mại thì điều quan trọng nhất được các chuyên gia chỉ ra là CPTPP sẽ giúp khuyến khích và thúc đẩy cải cách trong nước ở nhiều lĩnh vực như dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, các vấn đề pháp lý, tiếp cận thị trường cho hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan…

Những ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào CPTPP sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỷ USD/năm. CPTPP về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông… Để bảo đảm CPTPP nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho DN và người dân Việt Nam, Chính phủ sẽ tiếp tục cho triển khai việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết để thực thi các cam kết của Hiệp định.

Theo kết quả một khảo sát toàn diện về DN trên toàn cầu của HSBC, khoảng 63% các DN tại Việt Nam tin rằng CPTPP sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Trong số 1.150 DN có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ Hiệp định. Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng DN của HSBC Việt Nam, cho biết, CPTPP là một thỏa thuận lớn, tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các DN và Chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện.

Ngoài ra, Chính phủ cam kết tiếp tục xây dựng một Chính phủ kiến tạo, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; quyết liệt đổi mới và sắp xếp lại DN nhà nước; đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của MTKD, thúc đẩy kết nối và hợp tác giữa các DN trong nước với các DN nước ngoài. Việc ký kết CPTPP được các chuyên gia đánh giá sẽ là lực đẩy CCTC, nhất là trong bối cảnh dù đã có những cải thiện nhưng nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) vẫn đang tiếp tục tạo ra rào cản với DN.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện MTKD, cải cách bộ máy hành chính nhưng chưa đủ bởi thể chế rộng hơn rất nhiều nên những nỗ lực đó mới chỉ là bước đầu, vẫn cần phải đi sâu vào CCTC để thật sự đạt được bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch, có tính giải trình cao. CPTPP là hiệp định chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều lĩnh vực cho MTKD, đầu tư trở nên thuận lợi hơn. Việc cải cách này cũng gắn với những cải cách của Chính phủ, nên chi phí giao dịch sẽ giảm và sẽ tạo ra những tiền đề rất tốt cho các DN vừa và nhỏ đi lên.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước, chia sẻ: Thời gian qua, cộng đồng DN đã chứng kiến cuộc cách mạng cắt giảm ĐKKD rất quyết liệt, riêng Bộ Công thương cắt giảm tới hơn 600 ĐKKD. Điều DN trông chờ nhất đối với CPTPP là Chính phủ sẽ nỗ lực CCTC, tạo MTKD bình đẳng cho DN tư nhân làm ăn. Những DN lâu nay dựa vào mối quan hệ, dựa vào lợi ích “sân sau, sân trước” sẽ bị đào thải.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Xuân Thủy cho rằng, các DN nước ngoài vẫn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, điều kiện thu mua nông sản tốt hơn phía DN Việt Nam. Trong khi đó, DN trong nước vẫn chật vật do không vay được vốn. Đây cũng là lý do khiến nhiều DNNVV trong nước không muốn đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn phải đóng hai loại tiền là tiền sử dụng đất và thuê lại đất của người dân. Ngành nông nghiệp muốn phát triển và tận dụng các cơ hội từ CPTPP, trước hết phải sửa Luật Đất đai theo hướng tiếp cận, tiến tới đa sở hữu.

Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho rằng, thách thức xu hướng hiện nay là một số khu vực thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ cao hơn nên phần nào ảnh hưởng tới các nước tham gia CPTPP, không loại trừ xu hướng sử dụng rào cản kỹ thuật tăng lên. Vì vậy, các DN cần nhìn nhận trước để ứng phó. Nhà nước sẽ luôn đồng hành hỗ trợ DN.

CPTPP được kỳ vọng sẽ đem tới cho các DN Việt Nam rất nhiều cơ hội. Nhưng để làm chủ trong cuộc chơi này, cách duy nhất là DN phải chủ động hội nhập, còn Nhà nước phải tháo gỡ các vướng mắc về hành chính giúp DN kinh doanh thuận lợi

                               Nguồn: Báo Nhân Dân